Doanh nghiệp bỏ cọc đất Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý
Bộ Xây dựng cho biết hiện tượng đấu giá đất rất cao rồi bỏ cọc tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường diễn ra khá phổ biến, thậm chí có trường hợp mang tính tổ chức.
Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo gửi Thủ tướng về tác động của các kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản, đặc biệt là các trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quá trình đấu giá đất tại các địa phương, đã có hiện tượng đấu giá rất cao với một số lô đất, nhưng sau đó doanh nghiệp lại bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường.
Cùng với đó, hoạt động mua đi, bán lại tại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính cũng diễn ra phổ biến, thậm chí mang tính tổ chức. Một số trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đã có tác động đến thị trường bất động sản khu vực.
Cụ thể với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng cho biết kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản của khu vực.
Trong đó, giá giao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng mạnh, tuy nhiên giao dịch ghi nhận rất ít. Sau khi có chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá và bỏ cọc, thị trường bất động sản khu vực này cơ bản đã ổn định trở lại.
Bộ Xây dựng cho biết thêm trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt là đấu giá đất ở tại một số địa phương còn có hiện tượng cò đấu giá, quân xanh quân đỏ lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Cũng có tình trạng để lộ thông tin người tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng xã hội đen đe dọa cá nhân, tổ chức phải rút hồ sơ.
Hiện tượng lấy giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm để làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất, tạo mặt bằng giá mới cao hơn nhiều cho khu vực lân cận
Có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá, như vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020 và huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021.
Theo cơ quan quản lý, các trường hợp đấu giá đất có kết quả cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Trong đó, hiện tượng lấy giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm để làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất, tạo mặt bằng giá mới cao hơn nhiều cho khu vực lân cận. Điều này sẽ có lợi cho các dự án mới được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận mà chưa nộp tiền sử dụng đất.
Các trường hợp này còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán xung quanh.
Xử lý trường hợp thao túng, trục lợi đấu giá đất
Theo Bộ Xây dựng, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo tăng giá bất động sản, dẫn tới các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp, gây khó khăn cho người dân, người có thu nhập thấp trong việc tạo lập nhà ở.
Bên cạnh đó, việc mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả, dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn địa phương, ảnh hưởng công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư…
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường bất động sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản; phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án để xử lý theo quy định.
Bộ này cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường thanh tra về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi.
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
Kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xác định giá khởi điểm hợp lý, đảm bảo sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường kiểm tra, giám sát với doanh nghiệp tham gia đấu giá…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu bổ sung quy định để phân định các trường hợp, khu vực thực hiện đấu giá đất kèm theo điều kiện cụ thể đối với tổ chức, doanh nghiệp tham gia; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến việc đấu giá đất.
Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh – một trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm – đã có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-9, diện tích 5.009,1 m2 mà doanh nghiệp này trúng đấu giá ở 5.026 tỷ đồng, cao gấp 6,9 lần giá khởi điểm.
Đây là doanh nghiệp thứ 2, sau Công ty Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tuyên bố bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Hiện tại, còn lại 2/4 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5 giá 3.820 tỷ) và Công ty CP Sheen Mega (trúng đấu giá lô đất 3-8 giá 4.000 tỷ) đã đặt cọc hợp đồng và nhận được thông báo nộp tiền của Cục Thuế TP.HCM.